Thủ tục hành chính

Đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài
 
NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
1. Trình tự thực hiện
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Công dân chuẩn bị hồ sơ theo đúng quy định đã được công khai.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
a. Địa điểm tiếp nhận:
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, Sở Tư pháp, số 34, Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa
b. Thời gian tiếp nhận:
Trong giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần (trừ ngày lễ, tết theo  quy định)
c. Trình tự tiếp nhận:
Kiểm tra giấy tờ theo quy định pháp luật, người đến nộp hồ sơ phải xuất trình để đối chiếu (nếu có); sự đầy đủ hợp lệ và nội dung hồ sơ:
   1. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận; viết phiếu hẹn giao cho người đến nộp hồ sơ.
   2. Nếu hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ thì công chức tiếp nhận hồ sơ phải viết giấy hướng dẫn người đến nộp hồ sơ thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết, hướng dẫn người đến nộp hồ sơ liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.
Bước 3: Xử ký hồ sơ
1.Trong thời hạn 18 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đầy đủ hợp lệ, phòng HCTP- BTTP, Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Niêm yết việc xin nhận cha, mẹ, con trong 15 ngày liên tục tại trụ sở Sở Tư pháp, đồng thời có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết việc xin nhận cha, mẹ, con đó. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết việc xin nhận cha, mẹ, con trong 15 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban. Nếu có khiếu nại, tố cáo về việc xin nhận cha, mẹ, con thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải gửi văn bản báo cáo ngay cho Sở Tư pháp.
b) Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con. Trong trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo về việc nhận cha, mẹ, con hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của đương sự hoặc giấy tờ trong hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con thì phòng HCTP-BTTP, Sở Tư pháp tiến hành xác minh, kể cả phỏng vấn các đương sự hoặc yêu cầu họ bổ sung giấy tờ cần thiết;
c) Báo cáo kết quả thẩm tra và đề xuất ý kiến giải quyết việc xin nhận cha, mẹ, con, trình lãnh đạo Sở ký văn bản trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, kèm theo hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con.
2. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Sở Tư pháp và hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con, nếu xét thấy các bên đương sự đáp ứng đủ điều kiện xin nhận cha, mẹ, con thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con và trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp để tiến hành trao Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con cho các bên đương sự, ghi vào sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp từ chối công nhận việc nhận cha, mẹ, con thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản thông báo cho người gửi đơn yêu cầu.
3. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, trừ trường hợp có lý do chính đáng mà đương sự có yêu cầu khác về thời gian, Sở Tư pháp tiến hành trao Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con cho các bên đương sự và ghi vào sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con. 
Bước 4: Trả kết quả
a. Địa điểm: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp
b. Thời gian:
Trong giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần (trừ ngày lễ, tết theo quy định)
c. Trình tự trả kết quả: Công dân nộp lại phiếu hẹn; nhận kết quả.
2. Cách thức thực hiện:
Trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Tư pháp
3. Hồ sơ
a) Thành phần hồ sơ bao gồm:
1. Đơn xin nhận cha, mẹ, con (01 bản chính theo mẫu).
2. Giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt nam trong nước). Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (đối với người nước ngoài và công dân Việt nam ở nước ngoài) của người nhận và người được nhận là cha, mẹ, con(01 Bản sao);
3. Giấy khai sinh của người được nhận là con trong trường hợp nhận con, của người nhận cha, mẹ trong trường hợp xin nhận cha, mẹ(01 Bản sao);
4. Giấy tờ tài liệu hoặc chứng cứ (nếu có) để chứng minh giữa người nhận và người được nhận có quan hệ cha, mẹ, con (01 Bản sao);
5. Sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể (đối với công dân Việt Nam trong nước), thẻ thường trú (đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam) của người được nhận là cha, mẹ, con (01 Bản sao).
b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ (chính)
4. Thời hạn giải quyết
25 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Cụ thể:
- Thời hạn giải quyết tại Sở Tư pháp là: 18 ngày (Kể cả 15 ngày niêm yết);
- Thời hạn trình Chủ tịch UBND tỉnh là: 07 ngày
5. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính
a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định: UBND tỉnh
b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có): Không
c) Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp
d) Cơ quan phối hợp (nếu có): Công an tỉnh
6. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân
7. Yêu cầu hoàn thành mẫu đơn, mẫu tờ khai:
- Tờ khai đăng ký nhận việc cha, mẹ,con.
 Mẫu TP/HTNNg-2003-CMC.1.a.
8. Phí, lệ phí:
Lệ phí đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài: 1.000.000 đồng
9. Kết quả của việc thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định
 
10. Yêu cầu hoặc điều kiện nào để được cấp thủ tục hành chính
1. Việc nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài thường trú tại Việt Nam với nhau theo quy định của Nghị định này chỉ được tiến hành, nếu bên nhận và bên được nhận đều còn sống vào thời điểm nộp đơn yêu cầu, tự nguyện và không có tranh chấp.
2. Trong trường hợp con chưa thành niên thì mẹ hoặc cha làm thủ tục nhận cha hoặc mẹ cho con. Nếu con chưa thành niên nhưng đã từ đủ chín tuổi trở lên thì việc xin nhận cha hoặc mẹ cho con còn phải có sự đồng ý của bản thân người con đó.
3. Trong trường hợp người được nhận là con chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của mẹ hoặc cha người đó. Nếu người được nhận là con chưa thành niên nhưng đã từ đủ chín tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của bản thân người đó.
4. Con đã thành niên xin nhận cha, không đòi hỏi phải có sự đồng ý của mẹ; xin nhận mẹ, không đòi hỏi phải có sự đồng ý của cha.
 
11. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
 
- Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội khóa 11;
- Luật hôn nhân và gia đình số 22/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội khóa 10;
- Nghị định số 68/2002/ NĐ-CP, ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;
- Nghị định số 69/2006/ NĐ-CP, ngày 21/7/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ xung một số điều của Nghị định số 68/2002/ NĐ-CP, ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;
- Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;
- Quyết định số 127/2007/QĐ-TTg ngày 01/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức làm việc vào ngày thứ 7 hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính;
- Thông tư số 07/2002/TT-BTP, ngày 16/12/2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 68/2002/ NĐ-CP, ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;
- Quyết định số 15/2003/QĐ-BTP, ngày 12/02/2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
- Quyết định số 57/2000/QĐ-BTC, ngày 20/4/2000 của Bộ Tài chính về việc ban hành mức thu lệ phí đăng ký hộ tịch;
- Quyết định số 1192/QĐ-UBND ngày 20/4/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong công tác đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và cấp phiếu tư pháp;
- Công văn số 2091/BTC-CST ngày 25/02/2008 của Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg.
Tải tài liệu tại đây 14.doc